Mối quan hệ giữa môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam
Môi trường có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với sức khỏe và quyền con người, nhất là quyền được sống trong một môi trường trong lành. Do đó nghiên cứu các khía cạnh của môi trường không thể bỏ qua mối tương quan giữa quyền con người và vấn đề môi trường.
Nhận thức và những chế định pháp lý quốc tế về môi trường và quyền con người
Tuyên bố Stockholm năm 19721 được xác định là văn bản pháp lý đầu tiên cho sự gắn kết hai vấn đề môi trường và quyền con người trong hoạch định chính sách công của các nước tham gia Hội nghị về môi trường của loài người trong đó nêu rõ thiết lập nền tảng mối quan hệ giữa quyền con người với bảo vệ môi trường, rằng: “con người có các quyền cơ bản về tự do, bình đẳng và điều kiện sống tối thiểu trong môi trường trong lành, bình đẳng cho phép con người có cuộc sống trong nhân phẩm và hạnh phúc”. Gần 20 năm sau, trong Nghị quyết số 45/94 ngày 14/12/1990 về nhu cầu bảo đảm môi trường lành mạnh cho hạnh phúc của các cá nhân, Đại Hội đồng LHQ tái nhắc lại Tuyên bố Stockholm, rằng tất cả các cá nhân nên sống trong một môi trường được bảo đảm tối thiểu cho sức khỏe và hạnh phúc của họ. Đến năm 1992, trong Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Môi trường và phát triển bền vững năm với Tuyên bố Rio đã nhận định mối quan hệ giữa con người và vấn đề môi trường đó là “Vấn đề môi trường phải được giải quyết một cách tốt nhất với sự tham gia của tất cả các cá nhân liên quan, ở cấp độ thích hợp. Cấp độ quốc gia, mỗi cá nhân sẽ được tiếp cận thông tin thích hợp liên quan đến môi trường, do các cơ quan công quyền lưu giữ, bao gồm cả thông tin về các chất và hoạt động nguy hiểm trong cộng đồng của họ, và có cơ hội được tham gia trong quá trình ban hành các quyết định”. Ngoài ra tuyên bố Rio còn nêu ra các quyền tiếp cận thông tin, quyền tham gia và quyền được đền bù liên quan đến các điều kiện về môi trường cũng đã được đề cập đến.
Ở quy mô khu vực, Năm 1998, Công ước (Châu Âu) về tiếp cận thông tin, là công ước khu vực đầu tiên đề cập đến quyền con người và môi trường trong đó khẳng định quyền tham gia của công chúng trong việc ra quyết định và tiếp cận tư pháp trong các vấn đề môi trường. Công ước nêu rằng “Bảo vệ môi trường một cách thích đáng là thiết yếu cho hạnh phúc của nhân loại và việc hưởng thụ các quyền con người cơ bản, bao gồm quyền được sống”, và “cũng thừa nhận rằng tất cả mọi người có quyền được sống trong một môi trường tốt cho sức khỏe và hạnh phúc của bản thân, và có nghĩa vụ thực hiện độc lập hoặc hợp tác với người khác trong việc bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai”.
Mối quan hệ giữa quyền con người và vấn đề môi trường được xem xét ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, Môi trường là vấn đề quyền con người
Sự gắn kết giữa môi trường và quyền con người được thể hiện khá rõ đối với việc bảo đảm thực hiện các quyền như: quyền được sống; sự toàn vẹn thân thể của mỗi cá nhân, của đời sống mỗi gia đình; quyền đối với sức khỏe, thịnh vượng và phát triển của mỗi cá nhân, cũng như nhóm và cộng đồng xã hội…Tất cả các quyền này đều phụ thuộc vào môi trường sống, môi trường tự nhiên xung quanh con người. Đây được xác định là cơ sở quan trọng cho cuộc sống của tất cả mọi cá nhân, mọi cộng đồng xã hội.
Sự suy kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng đã tác động to lớn tới mỗi cá nhân, tới cả xã hội loài người. Do đó quyền được sống trong môi trường trong lành, bảo đảm sức khỏe ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết.
Thứ hai, bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết để thực hiện quyền con người
Cộng đồng quốc tế đã thừa nhận bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết cho bảo vệ quyền con người. Con người cần có một môi trường trong sạch để sống khỏe mạnh, để được hưởng thụ các quyền khác do đó quyền sống của con người bị ảnh hưởng trực tiếp hàng ngày do ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất đai…
Thứ ba, bảo vệ và thực hiện tốt quyền con người là thiết yếu để có các chính sách tốt về môi trường
Ở hai khía cạnh trên là sự tác động của bảo vệ môi trường tới quyền con người, thì ở khía cạnh này là sự tác động theo chiều ngược lại. Ví dụ như để thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, cần có các chính sách tốt về môi trường để có được các chính sách tốt về môi trường, bảo đảm các quyền con người cơ bản được thực hiện, trước hết cần bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin, quyền tham gia của dân chúng trong việc ban hànhcác quyết định về môi trường và tiếp cận tư pháp liên quan tới môi trường. Các quyền này được gọi là quyền về thủ tục.
Các quy định quốc tế về quyền con người với môi trường
a. Quyền cơ bản
+ Quyền sống: Công ước về tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng trong việc ra quyết định và tiếp cận tư pháp trong các vấn đề về môi trường năm 1998 là văn kiện quốc tế khu vực đầu tiên thừa nhận quyền của mọi người được sống trong môi trường trong lành. Trong lời mở đầu, Công ước nhắc lại một số văn kiện được ban hành trước đó, và thừa nhận: “BVMT một cách thích đáng là thiết yếu cho hạnh phúc của nhân loại và việc hưởng thụ các quyền con người cơ bản, bao gồm quyền được sống ” và “cũng thừa nhận rằng tất cả mọi người có quyền được sống trong một môi trường cần thiết cho sức khỏe và hạnh phúc của bản thân, và có nghĩa vụ cả về phương diện cá nhân và tập thể, phải bảo vệ và thúc đẩy môi trường cho lợi ích các thế hệ hiện tại và tương lai”.
+ Quyền có lương thực, thực phẩm thích đáng: Theo Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, quyền có lương thực, thực phẩm tối thiểu nghĩa là tất cả mọi người, dù là nam hay nữ, người lớn hay trẻ em, độc lập hay cùng với cá nhân khác trong cộng đồng, bất kỳ lúc nào cũng phải được cung cấp hoặc có đủ tiền để mua được một lượng lương thực, thực phẩm tối thiểu.
Điều 11 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 quy định: Các quốc gia thành viên công nhận quyền của mỗi người được có mức sống thích đáng cho bản thân và gia đình, bao gồm quyền có lương thực, thực phẩm, quần áo, nhà ở thích đáng và được cải thiện không ngừng điều kiện sống.
+ Quyền đạt được tình trạng sức khỏe tốt nhất có thể: Quyền về sức khỏe được quy định trong nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người, trong Điều 25, (K1) Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 và Điều 12, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966. Ngoài ra, quyền về sức khỏe còn được ghi nhận trong Điều 5 (e) (iv) Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965; Điều 11 (1, f) và Điều 12 Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979; Điều 24 Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989.
+ Quyền tiếp cận với nước: Quyền tiếp cận nước bảo đảm rằng mọi người có thể tiếp cận với nguồn cung cấp nước một cách đầy đủ, an toàn, có thể chấp nhận và chi trả được cho cuộc sống của cá nhân và gia đình.Quyền tiếp cận với nước được quy định trong hàng loạt các văn kiện quốc tế về quyền con người.
Điều 5 (2) Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979 , Điều 24 (2) Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989,... và trong nhiều điều ước quốc tế khác như các điều 20, 26, 29 và 46 của Công ước Giơ-ne-vơ năm 1949 về bảo vệ dân thường trong chiến tranh; các Điều 54 và 55 Nghị định thư bổ sung năm 1977; các Điều 5 và 14 trong Nghị định thư bổ sung II năm 1977; trong Lời mở đầu Chương trình Hành động về nước thông qua tại Hội nghị của LHQ; Chương trình nghị sự 21, các đoạn 18-47, Báo cáo của Hội nghị LHQ về môi trường và phát triển; Tuyên bố Dublin về nước và phát triển bền vững, Hội nghị quốc tế về nước và môi trường...
b. Các quyền về thủ tục
+ Quyền tiếp cận thông tin về môi trường: Quyền tiếp cận thông tin (TCTT) là một trong 3 quyền cơ bản được nhắc đến trong Nguyên tắc 10 của Tuyên bố Rio-92 và được khẳng định lại tại Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển bền vững tại Johanesburg năm 2002. Có bảo đảm được quyền TCTT của công chúng thì Nhà nước mới huy động được sự tham gia rộng rãi của nhân dân trong bảo vệ môi trường, mà sự tham gia của công chúng là một trong những yếu tố quyết định thành công của công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước.
+ Quyền tham gia: Nguyên tắc 10 được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về môi trường và phát triển năm 1992 nhấn mạnh: “Vấn đề môi trường phải được giải quyết một cách tốt nhất với sự tham gia của tất cả các cá nhân liên quan, ở cấp độ thích hợp”.
Chương trình nghị sự 21 cũng kêu gọi các chính phủ và các nhà lập pháp thiết lập các thủ tục hành chính và tư pháp để khôi phục pháp luật và chỉnh sửa các hành động tác động đến môi trường, trái pháp luật hoặc vi phạm các quyền theo luật; cung cấp quyền tiếp cận đối với cá nhân, các nhóm và các tổ chức với lợi ích pháp lý được công nhận.
Điều 6 khoản 2 Công ước Aarhus quy định sự tham gia của công chúng trong các quyết định về từng hoạt động môi trường cụ thể. Điều 7 Công ước Aarhus quy định về sự tham gia của công chúng trong các kế hoạch, các chương trình và các chính sách liên quan đến môi trường. Điều 8 quy định về sự tham gia của công chúng trong quá trình chuẩn bị điều chỉnh các luật hoặc các văn bản quy phạm pháp luật có tính ràng buộc pháp lý có thể áp dụng chung.
+ Quyền tiếp cận tư pháp: Nêu trong Nguyên tắc 13 của Tuyên bố Rio-92. Theo đó, các nước cần soạn thảo luật quốc gia về trách nhiệm pháp lý và bồi thường cho những nạn nhân của sự ô nhiễm và tác hại môi trường khác. Các quốc gia cũng cần hợp tác một cách khẩn trương và kiên quyết hơn để phát triển luật quốc gia về trách nhiệm pháp lý và bồi thường về những tác hại môi trường do những hoạt động trong phạm vi quyền hạn hay kiểm soát của họ gây ra cho những vùng ngoài phạm vi quyền hạn của họ.
Các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền con người và vấn đề môi trường
a. Các quyền cơ bản
+ Quyền sống và được sống trong môi trường trong lành: Điều 71 Hiến pháp năm 1992 quy định: Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2005 cũng quy định: Cá nhân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể. Bộ luật hình sự năm 1999 đã dành riêng chương 12 quy định các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người với hình phạt nghiêm khắc, có thể lên tới tử hình.
Điều 10 Luật BVMT năm 2005 quy định hệ thống tiêu chuẩn về môi trường quốc gia; Các Điều 11, 12 Luật BVMT quy định về yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng môi trường xung quanh và tiêu chuẩn về chất thải.
+ Quyền có tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe môi trường: Điều 61 Hiến pháp năm 1992 quy định: Công dân có quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khoẻ. Nhà nước quy định chế độ viện phí, chế độ miễn, giảm viện phí. Công dân có nghĩa vụ thực hiện các quy định về vệ sinh phòng bệnh và vệ sinh công cộng.
Năm 1989, Quốc hội ban hành Luật chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo đó, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân.
Liên quan tới vệ sinh phòng bệnh, Điều 62 Luật khám, chữa bệnh năm 2009 cũng quy định trách nhiệm của các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn. Để bảo vệ nâng cao sức khỏe con người, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 cũng quy định về các biện pháp vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm.
+ Quyền về thực phẩm an toàn
Quốc hội đã ban hành Luật an toàn thực phẩm năm 2010. Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm…
+ Quyền về nướcQuyền về nước
Năm 1998, lần đầu tiên Luật tài nguyên nước được Quốc hội thông qua.Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành một loạt các nghị định cụ thể hóa các quy định của Luật tài nguyên nước. Các văn bản này bao gồm: Nghị định số 149/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/7/2004 quy định việc cấp phép thăm dò khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; Nghị định số 34/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/3/2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước; Nghị định số 67/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/6/2003 về phí BVMT nước thải; Nghị định số 04/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/01/2007 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2003/NĐ-CP về phí BVMT với nước thải.
Năm 2000, Thủ tưởng Chính phủ đã ra Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2000 phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020.
+ Quyền có môi trường lao động bảo đảm sức khỏe và an toàn: Bộ luật lao động đã dành một chương riêng quy định về an toàn lao động và vệ sinh lao động.
b. Các quyền về thủ tục
+ Quyền tiếp cận thông tin liên quan: Điều 69, Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; Có quyền được thông tin; Có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật tới môi trường. Luật tiếp cận thông tin 2016 quy định Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Luật BVMT năm 2005 quy định cụ thể về trách nhiệm công bố thông tin môi trường, lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập báo cáo thông tin về môi trường trên địa bàn quản lý và công bố các thông tin chủ yếu về môi trường theo định kỳ hoặc theo yêu cầu.
+ Quyền được giáo dục nhân quyền và môi trường Hiến pháp năm 1992, Luật giáo dục và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác cũng quy định công dân có quyền giáo dục, học tập. Mặc dù không quy định cụ thể về giáo dục môi trường và quyền con người. Tuy nhiên, trên thực tế, giáo dục môi trường nâng cao ý thức BVMT đã được triển khai và đưa vào chương trình giáo dục phổ thông.
+ Quyền được tham gia một cách tích cực, tự do, và có ý nghĩa trong lập kế hoạch, ban hành quyết định, có tác động đến môi trường và phát triển. Điều 53, Hiến pháp năm 1992, quy định: Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.
Trong lĩnh vực đánh giá tác động môi trường, nếu Luật BVMT 1993 chưa đề cập đầy đủ đến sự tham gia (bắt buộc) của cộng đồng, thì Luật BVMT 2005 và tiếp đó là Nghị định số 80/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ ràng, chặt chẽ các điều khoản này.
+ Quyền được khiếu nại, tố cáo, bồi thường và đền bù thiệt hại một cách hiệu quả liên quan tới: Điều 74, Hiến pháp 2013 quy định: Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào.
Ngoài ra quyền khiếu nại, tố cáo, bồi thường thiệt hại về môi trường còn được quy định cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật khác, như Luật Tài nguyên nước, Luật BVMT…
Mai Anh
Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 159 - 03/2024
Viết bình luận